Tổng quan tác dụng sinh lí của hormon vỏ thượng thận
- Bởi : Hoàng Hải Yến
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Vỏ thượng thận gồm vùng cầu, bó và lưới tiết mineralocorticoid (MC, tức aldosterone), cả glucocorticoids (GC) lẫn androgen và androgen theo thứ tự. Trục thượng thận-tuyến yên giữ vai trò quan trọng trong đáp ứng với stress vì kích thích tiết cortisol rất nhanh.
1. Cortisol
Cortisol được tiết 40-80µmol mỗi ngày; tiết từng đợt cùng với nhịp tiết của ACTH, cao nhất vào sáng sớm thấp dần cả ngày và thấp nhất vào khoảng 11 giờ đêm đến giữa đêm. Bình thường thì 10% cortisol lưu hành là dạng tự do có hoạt tính, 75% gắn với α2 globulin và 15% gắn với albumin. Các chất chuyển hóa của cortisol gắn rất ít với protein và không hoạt tính. Lọc qua cầu thận là cortisol tự do và các chất chuyển hóa (17 OH-corticosteroid, 17-ketosteroid). Trong nước bọt không có protein gắn kết nên cortisol nước bọt là dạng tự do.
Tác dụng sinh lý của glucocorticoid
Glucocorticoids tác động lên chuyển hóa là chính và đặc tính giống MC ở mức độ nào đó. GC chính là cortisol (hydrocortisone) điều hòa chuyển hóa protid, lipid, glucid và hệ miễn dịch.
· Chuyển hóa đường: GC đề kháng với sự bài tiết và tác động của insulin, do đó ức chế tiêu thụ glucose ở mô ngoại vi làm gan tân tạo glucose và glycogen nên gây tăng đường huyết
· Protid: tăng dị hóa đạm làm teo cơ gốc chi và các chi, loãng xương, mô liên kết dưới da lỏng lẻo. Tác dụng của cortisol trên chuyển hóa protein khác nhau tùy cơ quan. Ở liều dược lý, cortisol làm giảm protein nền của xương sống (là xương bè- trabecular bone) nhưng ít ảnh hưởng xương dài (xương đặc-compact bone)
· Lipid: điều hòa vận chuyển acid béo do tăng hoạt tính men lipase. Mô mỡ ngoại biên giảm nhưng mỡ bụng và mỡ ở khoảng liên vai lại tăng (tái phân bố mỡ không đồng đều).
· Đặc tính kháng viêm liên quan đến tác dụng trên vi mạch và ức chế các cytokine viêm. Cortisol giúp mạch máu đáp ứng với chất co mạch, giảm tính thấm mao mạch khi có tình trạng viêm cấp, giảm đáp ứng miễn dịch nên dễ nhiễm trùng.
· Hệ tạo máu: làm tăng bạch cầu do tăng phóng thích bạch cầu trưởng thành từ tủy xương và ngăn chúng di chuyển xuyên thành mao mạch. Bạch cầu ái toan và lympho bào (các tế bào T) giảm do tái phân bố từ ngoại vi vào các khoang dẫn đến giảm miễn dịch qua trung gian tế bào. Giảm sản xuất và giảm ảnh hưởng của những chất trung gian gây viêm như lymphokins và prostaglandins, leukotriene. GC ức chế sản xuất interferon và giảm tác
dụng của interferon do tế bào T lympho tạo ra; giảm sản xuất IL-1, IL-6 từ đại thực bào. GC ít ảnh hưởng đến dòng hồng cầu.
· Thể tích dịch cơ thể: GC điều hòa dịch ngoại bào do (1) làm chậm di chuyển nước vào tế bào, (2) thận tăng bài tiết nước (thông qua giảm bài tiết ADH), tăng tốc độ lọc cầu thận, và tác động trực tiếp lên ống thận nên hạn chế dư thừa nước. GC có tác dụng MC yếu, nhưng ở liều cao sẽ tăng tái hấp thu Na ở ống thận tăng thải K ra nước tiểu.
· Tâm thần kinh: GC có thể gây rối loạn cảm xúc và hành vi
· Ức chế tuyến yên bài tiết tiền chất của ACTH là POMC (pro-opiomelanocortin) và những peptides dẫn xuất (gồm ACTH, beta endorphin, beta LPT), ức chế tiết ADH và CRH ở hạ đồi.
· Tác động lên những hormone khác
Trên chức năng tuyến giáp: Quá nhiều GC sẽ làm tổng hợp và phóng thích TSH bị ức chế cũng như đáp ứng của TSH với TRH sẽ kém. Nồng độ T4 hơi thấp do giảm globulin gắn kết nhưng fT4 bình thường. Nồng độ T3 lẫn fT3 thấp do GC làm giảm chuyển T4 thành T3 ở ngoại vi kèm với tăng chuyển T4 thành rT3. Nhưng trên lâm sàng không có suy giáp.
Trên chức năng tuyến sinh dục: Ở nam, nhiều GC sẽ làm giảm bài tiết FSH/LH, giảm testosterone. Ở nữ, GCs ức chế LHla2m giảm estrogens và progestins làm ức chế sự phóng noãn và vô kinh.
2. Hormone sinh dục nam của tuyến
Thượng thận bài tiết dihydroepiandrostenedione sulfat, androstenedion, 11-hydroxy androstenedion là những hormone sinh dục yếu được chuyển thành testosterone ở ngoài tuyến. Sự bài tiết này được điều hòa bởi ACTH, nên sẽ bị ức chế khi dùng GC ngoại sinh. Ở nữ, 90% 17-ketosteroid trong nước tiểu có nguồn gốc từ vỏ thượng thận nhưng nam giới chỉ có 60% là từ thượng thận. Androgen thượng thận nếu tăng cao sẽ gây nam hóa ở nữ.
3. ACTH
ACTH được bài tiết theo nhịp ngày đêm (đỉnh tiết ngay trước khi thức dậy, thấp nhất trước khi ngủ), có thời gian bán hủy ngắn (< 10 phút). Những yếu tố kiểm soát sự bài tiết ACTH là CRH, cortisol tự do trong huyết tương, stress, chu kỳ ngủ- thức.
· Stress (vận động, phẩu thuật, hạ đường huyết, stress tình cảm nặng, chất gây sốt) phóng thích CRH, vasopressin, kích thích hệ thần kinh giao cảm…từ đó phóng thích ACTH. Hệ miễn dịch cũng tác động lên trục hạ đồi tuyến yên làm tăng tiết CRH, vasopressin.
· Cortisol tự do làm giảm đáp ứng của tế bào hướng thượng thận ở tuyến yên với CRH.
· GC ức chế đáp ứng POMC với CRH, ức chế hệ thần kinh giao cảm và ức chế phóng thích CRH. Đây là cách cortisol kiểm soát bài tiết ACTH.
ACTH tác động lên vùng bó và vùng lưới của vỏ thượng thận và điều hòa bài tiết cortisol, androgen thượng thận, ít ảnh hưởng đến bài tiết aldosterone. ACTH tăng mạn tính làm vỏ thượng thận tăng sinh phì đại, ngược lại nếu ACTH bị ức chế kéo dài vỏ TT sẽ teo nhỏ.
Copy ghi nguồn:https://europemedpharma.com
Link bài viết: Tổng quan tác dụng sinh lí của hormon vỏ thượng thận
Không có phản hồi