Các bài thuốc điều trị trĩ trong y học cổ truyền (phần 1)
- Bởi : Nguyễn Linh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Bệnh trĩ là một bệnh mạn tính, nguyên nhân là do các mạch máu ở trực tràng hậu môn bị giãn ra và sung huyết.
Ở trực tràng, tĩnh mạch sung huyết thành một búi hoặc thành nhiều búi, tùy vào vị trí của tĩnh mạch bị giãn ở đâu thì sẽ phân chia trĩ trên lâm sàng thành trĩ nội và trĩ ngoại.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ là do nhiều nguyên nhân như viêm đại tràng mạn tính gây táo bón thường xuyên đại tiện rặn nhiều, viêm gan xơ gan mạn tính gây sung huyết tĩnh mạch, do tính chất nghề nghiệp như đứng lâu, ngồi lâu, mang vác vật nặng, người già và phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, do khi mang thai làm trương lực cơ thành bụng và thành tĩnh mạch bị giảm gây giãn tĩnh mạch…
Do tĩnh mạch bị sung huyết nên dễ gây thoát quản chảy máu làm cho người bệnh bị thiếu máu, do bội nhiễm nên bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng. Dựa vào lâm sàng, căn cứ vào tình trạng của các búi trĩ, xuất huyết và nhiễm trùng để phân loại thể bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.
Trĩ nội và trĩ ngoại được phân chia thành các giai đoạn như sau:
Trĩ nội: gồm 4 thời kỳ:
- Búi trĩ chưa ra ngoài, đại tiện có ra máu tươi, có một số trường hợp chảy máu nhiều dẫn đến thiếu máu.
- Khi đại tiện thì búi trĩ lòi ra, sau đi ngoài thì búi trĩ tự co lại được.
- Khi đại tiện búi trĩ lòi ra, sau đi ngoài búi trĩ không tự co lại được, phải lấy tay ấn búi trĩ co lên.
- Búi trĩ thường xuyên ra ngoài, dùng tay đẩy vào không đẩy được, búi trĩ ngoằn ngoèo.
Trĩ ngoại: gồm 4 thời kỳ:
- Búi trĩ lòi ra ngoài.
- Búi trĩ lòi ra ngoài với các búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo.
- Búi trĩ bị tắc gây đau và chảy máu.
- Búi trĩ bị viêm, nhiễm trùng gây ngứa và đau.
Để điều trị trĩ, có thể dùng 2 loại sau: dùng thuốc uống để đề phòng chảy máu và chống nhiễm trùng, làm nhỏ búi trĩ bằng thuốc, áp dụng các thủ thuật ngoại khoa để làm búi trĩ hoại tử, rụng và cắt các búi trĩ.
1. Điều trị trĩ theo phương pháp bảo tồn:
Áp dụng trong điều trị trĩ nội thời kỳ 1 và thời kỳ 2, đối với thời kỳ 3 và thời kỳ 4 thì điều trị bảo tồn không có hiệu quả.
a. Trĩ nội thể huyết ứ:
- Triệu chứng: sau đi ngoài thấy máu ra từng giọt, cảm thấy đau, đi ngoài phân táo.
- Phương pháp chữa: lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết khứ ứ.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: hòe hoa sao đen: 16g, kinh giới sao đen: 16g, cỏ nhọ nồi sao: 16g, trắc bá diệp sao: 16g, sinh địa: 12g, huyền sâm: 12g.
Bài 2: bài “Hoạt huyết địa hoàng thang gia giảm” gồm: sinh địa: 20g, địa du: 12g, đương quy: 12g, hoa hòe: 12g, hoàng cầm: 12g, kinh giới: 12g, xích thược: 12g. Trường hợp táo bón thì gia thêm hạt vừng: 12g, đại hoàng: 4g.
Bài 3: bài “Tứ vật đào hồng thang gia giảm” gồm: sinh địa: 12g, bạch thược: 12g, xuyên khung: 12g, trắc bá diệp: 12g, đương quy: 8g, hồng hoa: 8g, đào nhân: 8g, hòe hoa: 8g, chỉ xác: 8g, đại hoàng: 4g.
Ngoài ra có thể phối hợp châm cứu tại các huyệt như trường cường, thứ liêu, tiểu trường du, đại trường du, túc tam lý, tam âm giao, thừa sơn, hợp cốc.
(còn tiếp…)
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Các bài thuốc điều trị bệnh trĩ trong y học cổ truyền (phần 1)
Không có phản hồi