Các bài thuốc điều trị sỏi đường tiết niệu trong YHCT
- Bởi : Nguyễn Linh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Trong YHCT, sỏi đường tiết niệu còn được gọi là chứng sa lâm, thạch lâm, có các triệu chứng chủ yếu như đau bụng, đau lưng, tiểu tiện ra máu, tiểu khó…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do thấp nhiệt kết ở hạ tiêu, cặn nước tiểu đọng lại, nhỏ gọi là sa to gọi là thạch. Điều này làm ngăn trở việc bài tiết nước tiểu gây tiểu khó, ứ lại gây đau.
Tùy theo từng thể bệnh mà trên lâm sàng áp dụng các phương pháp chữa khác nhau. Thời gian điều trị kéo dài có thể làm cho sỏi nhỏ lại và tự tiêu đi hoặc được bài tiết ra ngoài. Làm thay đổi cơ địa làm sỏi không tái phát nữa.
1. Thể thấp nhiệt:
- Triệu chứng: đau lưng, đau bụng kịch liệt, đau lan lên vùng hạ vị hoặc lan xuống bộ phận sinh dục, tiểu nhiều lần, mót tiểu, tiểu đau, nước tiểu không xuống hết, có thể kèm theo đái ra máu, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày dính, mạch huyền sác hoặc hoạt sác.
- Phương pháp chữa: thanh nhiệt lợi thấp, bài thạch.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: kim tiền thảo: 40g, sa tiền: 20g, tỳ giải: 20g, trạch tả: 12g, ngưu tất: 12g, uất kim: 12g, kê nội kim: 8g.
Bài 2: bài “Đạo xích tán gia giảm” gồm: kim tiền thảo: 40g, sa tiền: 20g, sinh địa: 12g, đạm trúc diệp: 12g, mộc thông: 8g, cam thảo sao cháy: 8g, kê nội kim: 8g.
Ngoài ra phối hợp châm kích thích mạnh 1 lần/ngày. Chọn huyệt tùy vị trí sỏi trên đường tiết niệu. Hoặc dùng nhĩ châm tại vị trí giao cảm, bàng quang, thận.
2. Thể ứ trệ:
- Triệu chứng: đau lưng liên miên, đau tức, hạ vị đau đầy trướng, tiểu khó không dứt, tiểu ra máu hoặc ra máu cục, chất lưỡi đỏ có điểm ứ huyết, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền sác.
- Phương pháp chữa: lý khí hành trệ, hoạt huyết thông tiểu.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: kim tiền thảo: 40g, sa tiền: 20g, ý dĩ: 16g, ngưu tất: 12g, đào nhân: 8g, uất kim: 8g, chỉ xác: 8g, đại phúc bì: 8g, kê nội kim: 8g.
Bài 2: bài “Tứ vật đào hồng thang gia giảm” gồm: sinh địa: 16g, bạch thược: 12g, xuyên khung: 12g, đương quy: 12g, đại phúc bì: 12g, liên kiều: 12g, đào nhân: 8g, hồng hoa: 8g, chỉ thực: 8g, uất kim: 8g, kê nội kim: 8g.
Ngoài ra có thể châm cứu như thể thấp nhiệt hoặc nhĩ châm như trên.
Các trường hợp sỏi tiết niệu không đau, không tiểu ra máu, không tiểu buốt tiểu rắt thì nên uống thường xuyên các vị thuốc bổ tỳ thận phối hợp với các vị thuốc lợi niệu làm tiêu sỏi hoặc bài tiết ra ngoài.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: kim tiền thảo: 24g, đảng sâm: 16g, sa tiền: 16g, ngải cứu: 16g, ý dĩ: 12g, trạch tả: 12g, bạch truật: 8g, ba kích: 8g, phục linh: 8g, thỏ ty tử: 8g.
Bài 2: gồm: kim tiền thảo: 40g, ngải cứu: 16g, kê nội kim: 8g.
Bài 3: bài “Lợi niệu bài thạch thang” gồm: kim tiền thảo: 20g, sa tiền tử: 20g, bạch mao căn: 20g, ý dĩ: 12g.
Các trường hợp sỏi tiết niệu gây ứ nước ứ mủ ở thận thì cần xử trí bằng các phương pháp phẫu thuật lấy sỏi của y học hiện đại. Sau khi phẫu thuật xong có thể dùng các bài thuốc trên để tránh sỏi đường tiết niệu tái phát.
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Các bài thuốc điều trị sỏi đường tiết niệu trong YHCT
Không có phản hồi