Các bài thuốc tả hạ hay dùng trong y học cổ truyền
- Bởi : Nguyễn Linh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Các bài thuốc tả hạ có tác dụng làm thông đại tiện, bài trừ tích trệ ở trường vị, trừ thực nhiệt, trục thủy ẩm.
Các bài thuốc này được chia thành 5 loại gồm hàn hạ, ôn hạ, nhuận hạ, trục thủy, công bổ kiêm trị. Không dùng các bài thuốc tả hạ cho phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh, đang hành kinh, người già yếu, mất máu, tân dịch giảm.
Chú ý các bài thuốc này dễ làm tổn thương vị khí vậy nen phải ngừng thuốc khi điều trị đạt kết quả theo yêu cầu.
1. Các bài thuốc hàn hạ:
a. Đại thừa khí thang:
Gồm: đại hoàng: 12g, hậu phác: 12g, chỉ thực: 12g, mang tiêu: 16g.
Cách dùng: sắc uống, mỗi ngày uống 2 lần.
Tác dụng: tẩy, chữa nhiệt kết.
Ứng dụng:
- Điều trị bệnh dương minh phủ chứng.
- Điều trị chứng nhiệt kết bàng lưu.
- Điều trị chứng sốt cao co giật, phát cuồng.
- Điều trị các bệnh viêm túi mật cấp, có kèm hiện tượng táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch thực.
2. Các bài thuốc ôn hạ:
a. Đại hoàng phụ tử thang:
Gồm: đại hoàng: 12g, phụ tử chế: 16g, tế tân: 8g.
Cách dùng: sắc uống, mỗi ngày 3 lần.
Tác dụng: thông kinh tán hàn, thông tiện chỉ thống.
Ứng dụng: điều trị chứng bệnh nguyên nhân do hàn tụ dẫn tới táo bón, đau bụng, tay chân lạnh, rêu lưỡi dính, mạch trầm huyền khẩn.
b. Tam vật bị cấp hoàn:
Gồm: đại hoàng: 40g, ba đậu chế: 40g, can khương: 40g.
Cách dùng: đem tán thành bột nhỏ, uống mỗi ngày 1,2g – 2g, uống với nước nóng, nếu không thấy đại tiện uống thêm 0,8g – 1,2g.
Tác dụng: công trục hàn tích.
Ứng dụng:
- Điều trị chứng lý hàn thuộc thực.
- Điều trị chứng tắc ruột cơ năng.
3. Các bài thuốc nhuận hạ:
a. Bài thuốc chữa táo bón:
Gồm: vỏ đại: 40g, phèn chua: 8g, nước mưa: 300ml.
Cách dùng: sắc đặc, uống mỗi ngày 50ml.
Tác dụng: điều trị táo bón lâu ngày.
b. Bài thuốc tân phương:
Gồm: lá muồng trâu: 200g, đường: 200g, hạt cau: 40g, ô dược: 40g, vỏ cây rụt: 40g, chỉ thực: 30g, vừng: 10g.
Cách dùng: làm thành viên, uống mỗi ngày 4g – 10g.
Tác dụng: chữa táo bón lâu ngày.
c. Ngũ nhân hoàn:
Gồm: đào nhân: 20g, hạnh nhân: 20g, bá tử nhân: 20g, sung úy nhân: 20g, trần bì: 16g, úc lý nhân: 12g.
Cách dùng: đem tán bột làm viên. uống mỗi ngày 10g.
Tác dụng: bổ huyết, bổ âm nhuận tràng.
Ứng dụng: điều trị táo bón ở người già, phụ nữ sau khi sinh.
d. Tư âm nhuận tràng:
Gồm: sinh địa: 20g, mạch môn: 20g, muồng trâu: 20g, lá dâu: 20g, chút chít: 12g.
Cách dùng: sắc uống.
Tác dụng: bổ âm nhuận tràng.
Ứng dụng: điều trị sốt cao gây táo bón, người già và phụ nữ sau sinh bị táo bón.
4. Các bài thuốc trục thủy:
a. Thập táo thang:
Gồm: đại táo: 10 quả, đại kích, nguyên hoa, cam toại: lấy lượng như nhau.
Cách dùng: đem tán thành bột, dùng nước đại táo làm thang, uống ngày 1 lần từ 0,8g – 1,2g.
Tác dụng: công trục thủy ẩm.
Ứng dụng:
- Chữa chứng có nước ở màng phổi do lao.
- Chữa cổ trướng thuộc thể thực chứng.
- Chữa viêm ngoại tâm mạc do lao.
Chú ý: không dùng cho phụ nữ có thai.
5. Các bài thuốc công bổ kiêm trị:
a. Hoàng long thang:
Gồm: đại hoàng: 12g, mang tiêu: 16g, chỉ thực: 8g, đương quy: 8g, hậu phác: 4g, cam thảo: 4g, cát cánh: 4g, đại táo: 2 quả, sinh khương: 3 lát.
Cách dùng: sắc uống.
Tác dụng: tả nhiệt thông tiện, bổ khí dưỡng huyết.
Ứng dụng:
- Chữa chứng lỵ thực nhiệt kèm theo khí huyết hư.
- Với người già yếu, bỏ mang tiêu gia thêm đảng sâm, đương quy liều cao hơn.
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Các bài thuốc tả hạ hay dùng trong y học cổ truyền
Không có phản hồi