Các dạng hay gặp của bài thuốc trong y học cổ truyền
- Bởi : Nguyễn Linh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Trên lâm sàng, tùy vào yêu cầu chữa bệnh cùng tính chất của các vị thuốc và sự cấu tạo của bài thuốc mà có các dạng bào chế khác nhau.
Một số dạng thuốc hay gặp như sắc, tán, hoàn, ngân rượu, viên, cao.
1. Thuốc sắc:
Một bài thuốc có một vị hoặc nhiều vị thuốc tạo thành, tất cả được cho vào nước sắc, bỏ bã, lấy nước uống gọi là thuốc sắc.
Đây là dạng thuốc hay dùng, phù hợp với nhiều loại bệnh nhất là bệnh cấp tính, được dùng để uống trong hoặc dùng ngoài.
Đặc điểm: hấp thu nhanh, dễ phát huy tác dụng, dễ gia giảm, nhưng thuốc sắc mất thời gian đặc biệt là với các bệnh cần dùng thuốc lâu dài.
2. Thuốc tán:
Đem các vị thuốc sao giòn, tán thành bột gọi là thuốc tán. Dạng này được dùng uống trong hoặc dùng ngoài. Nếu uống thì dùng với nước sôi để nguội hoặc sắc với nước trong thời gian vài chục phút, bỏ cặn rồi uống.
Đặc điểm: sử dụng đơn giản, dễ mang theo, tiết kiệm thuốc, ít biến chất nhưng hấp thu kém hơn so với thuốc sắc.
3. Thuốc hoàn:
a. Hoàn mật:
Nghiền các vị thuốc thành bột, dùng nước đường hoặc mật ong trộn thành viên. Viên hoàn mật có tính nhu hòa dùng để bào chế các thuốc bổ.
Lượng viên to nhỏ tùy yêu cầu: viên to từ 4g-16g, viên nhỏ bằng hạt đậu…
b. Hoàn nước:
Tán nhỏ các vị thuốc thành bột, dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước sắc thuốc trộn lẫn làm thành viên bằng tay hoặc bằng máy làm viên.
Đặc điểm: hoàn nước dễ vỡ hơn hoàn mật nhưng hấp thu nhanh hơn, dễ uống hơn. Viên to nhỏ tùy cách bào chế.
c. Hoàn hồ:
Tán nhỏ các vị thuốc thành bột, dùng hồ gạo làm viên.
Đặc điểm: hấp thu lâu hơn, hấp thu từ từ thích hợp trong dùng các thuốc kích thích niêm mạc dạ dày, các thuốc có độc.
d. Hoàn đậm đặc:
Sắc thành cao hoặc dùng dung môi thích hợp chiết xuất hoạt chất rồi cô lại thành cao đặc, làm khô thành bột dùng nước, rượu, nước thuốc sắc làm thành viên.
Đặc điểm: hàm lượng thuốc lớn, thể tích dùng ít, liều lượng chuẩn.
4. Rượu thuốc:
Rượu là dung môi chiết xuất hoạt chất của thuốc. Dùng uống trong hoặc dùng ngoài.
Nồng độ: nếu có thuốc độc mạnh là 10%, thuốc không độc là 20%.
5. Viên dẹt:
Các vị thuốc được nấu thành cao, làm thành cốm rồi dập viên theo dây chuyền công nghiệp.
Đặc điểm: lượng chuẩn xác, thể tích nhỏ, dễ uống.
6. Thuốc cao:
a. Cao lỏng uống trong:
Sắc ra hết hoạt chất thuốc, bỏ bã rồi cô lại thành cao, dùng nước đường hoặc nước mật đun cho tan. Hàm lượng: 1ml cao lỏng tương đương 1g thuốc.
Đặc điểm: dễ uống, lượng chuẩn xác, thích hợp với các loại thuốc bổ nhưng không bảo quản được lâu.
Dạng thuốc cao đặc hơn có cách làm như trên với hàm lượng 1ml cao tương đương 2g-5g thuốc.
b. Cao dùng ngoài:
Cao mềm: Các vị thuốc nấu thành cao, cho tá dược (vaselin…) trộn lẫn làm thành cao mềm, thường dùng cho các vết thương phần mềm, bỏng…
Cao cứng: Các vị thuốc nấu thành cao, cho tá dược (sáp ong…) trộn lẫn làm cao cứng, phết lên vải hoặc giấy làm cao dán lên mụn nhọt, xương khớp…
Cao dán có tác dụng cục bộ hoặc toàn thân.
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Các dạng hay gặp của bài thuốc trong y học cổ truyền
Tác giả: Dược sĩ Cao Đắc Khoa.
Không có phản hồi