Bệnh basedow về phương diện cơ chế sinh bệnh
- Bởi : Hoàng Hải Yến
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Trong bệnh Basedow, lympho bào T rất nhạy với kháng nguyên của tuyến giáp và kích thích lympho bào B tổng hợp kháng thể tương ứng với những kháng nguyên này. Một trong những kháng thể này chống lại thụ thể TSH ở màng tế bào tuyến giáp, kích thích tuyến lớn và cường năng.
1.Đại cương
Bệnh Basedow còn gọi là bệnh Graves, bệnh bướu giáp có lồi mắt. Bệnh gồm các biểu hiện: hội chứng nhiễm độc tố giáp (thyrotoxicosis), bướu giáp lan tỏa, biểu hiện ở mắt và phù niêm trước xương chày. Các biểu hiện lâm sàng không nhất thiết phải xuất hiện cùng một lúc, diễn biến phần lớn độc lập nhau.
Đặc điểm dịch tễ
Basedow là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng nhiễm độc giáp (80-90%). Tần suất bệnh thay đổi tùy theo lượng Iod trong khẩu phần ăn: tỉ lệ thấp hơn ở vùng thiếu hụt iod. Bệnh gặp nhiều ở phụ nữ (2% ở nữ so với 0,2% ở nam giới). Tuổi gặp nhiều nhất khoảng 20 – 50, độ tuổi trên 60 chỉ khoảng 15% và ít gặp hơn ở thiếu niên.
Bệnh basedow xảy ra với tần suất cao trong gia đình của người bị thiếu máu Biermer, đái tháo đường típ 1, suy thượng thận do tự miễn (bệnh Addison), bệnh nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, giảm tiều cầu vô căn, hội chứng Sjogren.
2. cơ chế sinh bệnh
2.1 Cơ chế gây bệnh
Luôn có sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và di truyền dẫn đến bệnh Basedow.
Hiện diện các kháng thể
Trong bệnh Basedow, lympho bào T rất nhạy với kháng nguyên của tuyến giáp và kích thích lympho bào B tổng hợp kháng thể tương ứng với những kháng nguyên này. Một trong những kháng thể này chống lại thụ thể TSH ở màng tế bào tuyến giáp, kích thích tuyến lớn và cường năng. Kháng thể này gọi là TR-Ab, còn được gọi là TSAb (thyroid-stimulating antibody) hay TSI (thyroid-stimulating immunoglobulin). Sự hiện diện của TR-Ab trong máu liên quan mạnh với bệnh tiến triển và với sự tái phát của bệnh dù đã được điều trị bằng thuốc kháng giáp [6]. Kháng thể kích thích thụ thể TSH thực chất là các globulin miễn dịch được tổng hợp ở tuyến giáp, tủy xương và hạch bạch huyết [5].
Có sự mặc định di truyền liên quan đến bệnh Basedow. Ghi nhận khả năng mắc bệnh cao ở người có kháng nguyên hòa hợp mô HLA-DR, CTLA-4 và PTPN22 (là gen điều hòa tế bào T). Tỉ lệ bệnh Graves ở những cặp sinh đôi đồng hợp tử là 20-30%, trong khi dị hợp tử < 5%. Tuy nhiên không rõ yếu tố nào khởi kích tình trạng cường giáp. Một số yếu tố có thể gây quá kích miễn dịch đề cập bên dưới.
Yếu tố môi trường
· Mang thai nhất là thời kỳ hậu sản
· Ăn nhiều Iod nhất là khi cá thể sống trong vùng thiếu hụt Iod
· Interferon alfa (làm thay đổi đáp ứng miễn dịch)
· Nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi
· Stress: tác động lên hệ miễn dịch dưới ảnh hưởng thần kinh nội tiết
2.2 Cơ chế tổn thương mắt
Liên quan đến lympho bào độc tế bào (killer cells) và những kháng thể độc tế bào nhạy với thụ thể TSH (thụ thể này có mặt ở tuyến giáp, màng nguyên bào sợi ở hốc mắt và cơ vận nhãn). Các cytokines (IFN-Ɣ, TNF, IL-1) được phóng thích hoạt hóa và tăng sinh các nguyên bào sợi lẫn tiền tế bào mỡ ở hốc mắt làm tăng khối lượng mỡ sau hốc mắt và các glycosaminoglycan ái nước. Các cơ vận nhãn và mô liên kết hậu nhãn cầu bị phù nề dày lên đẩy nhãn cầu về phía trước, nhìn đôi, đỏ mắt, sung huyết, phù nề kết mạc và quanh hốc mắt. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh mắt Basedow.
2.3 Cơ chế phù niêm trước xương chày và bệnh lý xương do tuyến giáp
Cytokins kích hoạt các nguyên bào sợi tại những vị trí này làm tăng tổng hợp glycosaminoglycans nhưng không thấy hiện tượng này ở vùng da khác.
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Bệnh basedow về phương diện cơ chế sinh bệnh
Không có phản hồi