Bệnh basedow về phương diện triệu chứng lâm sàng
- Bởi : Hoàng Hải Yến
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh basedow: điển hình là một phụ nữ ở lứa tuổi 20 – 50 có các triệu chứng sau; đồng thời khai thác bệnh sử ghi nhận có người trong gia đình bị các vấn đề về tuyến giáp như bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp hay bệnh Basedow.
1. Hội chứng nhiễm độc giáp
Hội chứng nhiễm độc giáp tố trong bệnh Basedow là do cường năng tại chính tuyến giáp (cụm từ này được gọi là cường giáp), chỉ ra tất cả các dấu hiệu tổn thương ở mô và rối loạn chuyển hóa do dư thừa hormon giáp. Hội chứng cường giáp có thể đầy đủ triệu chứng kinh điển hoặc chỉ biểu hiện dưới những thể lâm sàng đặc biệt. Triệu chứng nhiều ít khác nhau tùy theo thời gian mắc bệnh, mức độ thừa hormone và tuổi của người bệnh.
Rối loạn điều nhiệt:
· sợ nóng, hay đổ mồ hôi kể cả khi trời lạnh
· da nóng ẩm mịn, thấy rõ nhất ở lòng bàn tay
Biểu hiện tim mạch:
· hồi hộp, than bị đánh trống ngực, có thể khó thở khi gắng sức
· mạch nẩy mạnh nhanh
· tiếng tim nhanh cả lúc nghỉ, tăng lên khi xúc động hoặc gắng sức
· tiếng tim mạnh, có thể có âm thổi tâm thu ở liên sườn 2-3 bờ trái xương ức
· huyết áp tâm thu cao, hiệu áp rộng, cung lượng tim tăng
· ngoại tâm thu, rung nhĩ đáp ứng thất nhanh. Tim lớn và suy tim cung lượng cao là biểu hiện nặng
Biểu hiện hô hấp:
· thở nhanh
· yếu cơ hô hấp
Tâm thần kinh:
· bồn chồn, không ngồi yên
· tính khí thất thường: dễ cáu gắt, hoặc vui vẻ, nhiệt tình quá mức hoặc thờ ơ, trầm cảm (thể vô cảm ở người già)
· giảm các hoạt động trí óc: khó tập trung, khó ngủ
· rối loạn vận mạch (đỏ mặt từng lúc, toát mồ hôi).
· run ở đầu ngón tay với đặc điểm tần số cao, biên độ nhỏ, đều
· phản xạ gân xương tăng rõ rệt.
Tiêu hoá:
· ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân
· tăng số lần đại tiện và lượng phân, tiêu chảy không kèm đau bụng 5 -15 lần/ngày. Nếu người bệnh trước đây thường táo bón, thì khi bị cường giáp đại tiện trở lại bình thường
· nhu động ruột tăng
Cơ – xương
· mệt mỏi và yếu cơ, đặc biệt nhóm cơ gốc chi nhất là khi đi bộ, leo cầu thang, không thể đứng dậy từ một ghế thấp mà không chống tay (dấu ghế đẩu).
· teo cơ, thấy rõ ở nhóm cơ thái dương, cơ chu vai, cơ chi dưới. Có thể rung giật cơ
· viêm quanh khớp vai
· yếu liệt hai chân thình lình và hồi phục nhanh sau điều trị
· quá trình tiêu xương nhanh hơn tạo xương nên gây thiếu xương (osteopenia)
· Bất thường xương hiếm gặp: gọi là osteopathy hoặc thyroid acropachy. Là sự tạo xương dưới màng xương thấy rõ ở xương ngón đốt gần và như ngón tay dùi trống. Ngoài ra còn có hiện tương ly móng (móng tách khỏi nền móng do mọc quá nhanh).
Rối loạn ở da
· da nóng ấm, ẩm, tựa như mọng nước nhất là ở bàn tay.
· da có mao mạch dãn đỏ, có dấu sao mạch
· tóc dễ rụng
Rối loạn chuyển hoá
· thay đổi cân nặng: thường gầy sút nhanh dù ăn nhiều, đặc biệt ở người già. Một số ít bệnh nhân trẻ có thể thấy tăng cân nghịch thường ở giai đoạn sớm của bệnh
Rối loạn sinh sản:
· nữ giảm khả năng sinh sản, kinh nguyệt ít
· nam giảm số lượng tinh trùng, rối loạn cương, vú to.
Bất thường khác:
· bạch biến
· tăng sinh mô lympho bào (hạch cổ, lách và tuyến ức to)
· khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều.
2. Bướu giáp
Bướu giáp to lan tỏa, thường chỉ to độ I-II, có khi một thùy to hơn rõ rệt. Nếu khám thấy bướu mạch (sờ trên bướu có rung miu, nghe được âm thổi tâm thu hoặc liên tục) là dấu chứng điển hình.
3. Biểu hiện ở mắt
Bệnh mắt còn có tên gọi là bệnh nhãn giáp. Ảnh hưởng ở cả hai mắt hoặc chỉ một mắt. 75% BN mắc bệnh mắt trong vòng 1 năm trước và sau khi chẩn đoán bệnh Graves. Vẫn có 10% người bệnh không có hội chứng nhiễm độc giáp nhưng biểu hiện bệnh mắt rõ. Điều này đồng nghĩa tổn thương ở mắt tiến triển độc lập với tình trạng cường giáp.
+ Triệu chứng cơ năng: chói mắt, chảy nước mắt, cộm hoặc rát.
+ Dấu thực thể:
– Ánh mắt long lanh (dấu lid lag), nhìn chăm chú ít chớp mắt.
– Viền sậm màu quanh mắt (dấu Jellinek)
– Co cơ nâng mi trên: gây hở khe mắt (lồi mắt giả, dấu Dalrymple); mi nhắm không kín và ít chớp (dấu Stellwag); mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi mắt: mi mắt không di chuyển cùng với nhãn cầu khi nhìn xuống (dấu Von Graefe); mất đồng tác giữa nhãn cầu và cơ trán (khó nhìn lên, dấu Joyffroy).
– Phù mi mắt do tổn thương phần mềm quanh hốc mắt
– Lồi mắt: lồi nhãn cầu xảy ra ở 40% bệnh nhân Basedow, chỉ 5-10% có biểu hiện nặng. Lồi mắt đơn độc không đủ chẩn đoán bệnh mắt do Basedow nhất là nếu chỉ xuất hiện một bên.
– Liệt các cơ vận nhãn: gây nhìn đôi, mất khả năng hội tụ hai mắt (dấu Mobius), hạn chế cử động của mắt ngược hướng của cơ bị tổn thương. Cơ thẳng trong và cơ thẳng dưới thường bị ảnh hưởng nhất, không thể giãn cơ được làm mắt không thể nhìn ra ngoài hoặc nhìn lên được.
– Tổn thương giác mạc: khô giác mạc do mắt không nhắm kín, viêm giác mạc gây phù sung huyết và giác mạc không còn trơn láng
– Tổn thương thần kinh thị giác: thần kinh thị giác bị chèn ép gây giảm thị lực, mù
4 Phù niêm trước xương chày
Vùng da thâm nhiễm chất glycosaminoglycans có màu vàng hoặc tím đỏ, lỗ chân lông dãn tạo dạng ”da cam”, đôi khi có rậm lông. Vị trí ở trước xương chày, có thể lan xuống mu chân, nhưng không bao giờ vượt quá đầu gối; hiếm khi ở cánh tay hoặc ngực. Triệu chứng này rất hiếm gặp ở người Việt Nam.
Copy ghi nguồn: https://europemedpharma.com
Link bài viết: Bệnh basedow về phương diện triệu chứng lâm sàng
Không có phản hồi